Nội Dung Mỗi Trang Đều Hữu Ích
Mỗi trang trên website của bạn phải thỏa mãn một mục đích nào đó của khách truy cập… Dù bạn muốn họ tìm thấy nó thông qua bố cục định hướng trên website, hay muốn họ tiếp cận nó thông qua công cụ tìm kiếm. Những ngày tập trung xây dựng thật nhiều trang web giống nhau để được công cụ tìm kiếm xếp hạng nhưng không đem đến giá trị nào cho khách truy cập ngoài việc phỉnh họ tiếp cận website của bạn (để nhấp vào một mẩu quảng cáo nào đó) đã thật sự chấm dứt. Bạn vẫn có thể thực hiện điều đó, nhưng các trang này sẽ bị gọi là “trang lép” hay doorway page, và đó là những gì Google thẳng tay trừng phạt trong thời gian gần đây.
Bạn có thể cung cấp bất cứ giá trị nội dung nào cho khách truy cập, nhưng giá trị đó phải độc đáo.
Bạn hiểu ý tôi chứ? Nếu trang web của bạn không cung cấp giá trị độc lập hoặc chúng gần giống với các trang khác trên website (hoặc các trang khác trên hệ thống web), khi đó, hoặc là bạn nên tăng cường nội dung mới, chuyển hướng 301, hoặc kết hợp chúng với các trang tương tự khác trên website.
Nếu bạn chỉ muốn tạo trang web cho khách truy cập và không muốn Google trông thấy nó, bạn có thể bổ sung thẻ noindex (không đánh chỉ mục) hoặc chặn nó bằng tập tin robots.txt. Tất cả các trang đích được tạo ra cho để chạy quảng cáo Adwords thì nên bị chặn và gắn thẻ không đánh chỉ mục, cho dù bạn không liên kết đến chúng từ website của mình.
Với các trang dư thừa, Google xem đó là phần nội dung trùng lắp, và đây chính là yếu tố khiến bạn bị phạt Penalty. Website của bạn không nên chứa hàng loạt các trang được tối ưu hóa với các biến thể từ khóa tương tự nhau – tương tự nhau chính là vấn đề bạn cần tránh.
Chẳng hạn như, nếu website của bạn có phần liên quan đến công ty thiết kế web, bạn không nên tạo nhiều trang tách biệt nhắm đến như: “Công ty thiết kế web chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh”, “Công ty thiết kế web uy tín ở Hồ Chí Minh, “Công ty thiết kế web ở Hồ Chí Minh”. Vì khách truy cập không hề trông thấy sự khác biệt rõ ràng nào từ những trang trên. Trong khi đó, bạn hoàn toàn có thể tạo ra chỉ duy nhất một trang nhắm đến tất cả các từ khóa trên – rất đơn giản và nhanh chóng, vd: “Công ty thiết kế web chuyên nghiệp, uy tín ở Hồ Chí Minh“. Vậy là xong, nhìn thực tế hơn nhiều và không bị đánh giá là spam.
Khách truy cập không thích nhìn thấy một website có quá nhiều trang tương tự nhau – họ sẽ cảm thấy rối rắm và nghĩ rằng bạn đang chơi trò “mèo vờn chuột” với họ, và Google cũng thế. Google rất thông minh và rất rành các từ đồng nghĩa, họ có thể nhìn thấy tất cả các từ khóa này và đưa ra xếp hạng cho chúng.
Lưu ý: Các cách đi ngược với lời tôi nói vẫn đem đến hiệu quả khi bạn phải spam nhiều hơn, tạo nhiều trang cho cùng một chủ đề hơn (và đôi khi bạn có thể đạt được thứ hạng cao hơn với từ khóa chính xác), nhưng hiện nay, mức độ rủi ro đã áp đảo lợi ích thu được và sớm muộn gì các website sử dụng phương thức này cũng bị phạt penalty hay tụt hạng. Bạn vẫn cảm thấy nghi ngờ? Hãy lấy làm vui vì đến bây giờ bạn vẫn xoay sở đủ khéo để tồn tại, nhưng từ nay nên bắt đầu thay đổi cách suy nghĩ của bạn đi nhé.
Tránh Các Template Rập Khuôn
Vấn đề này cũng liên quan đến vấn đề nội dung trùng lắp như đã đề cập ở trên, nhưng được tách riêng như một vấn đề độc lập. Bạn có bao giờ truy cập một website, xem nhiều trang web trên website đó, trông thấy phần nội dung như dưới đây rồi tặc lưỡi, chậc, có ai đó viết đoạn này thật sao?
“Cho thuê xe Lexus tự lái, dùng để đi công việc, đi chơi cùng gia đình, giá 2 triệu/ngày. Luôn có các mẫu Lexus mới nhất, gọi ngay: 0909.70.60.70“
“Cho thuê xe Toyota tự lái, dùng để đi công việc, đi chơi cùng gia đình, giá 1 triệu/ngày. Luôn có các mẫu Toyota mới nhất, gọi ngay: 0909.70.60.70“
“Cho thuê xe Mercedes tự lái, dùng để đi công việc, đi chơi cùng gia đình, giá 1,5 triệu/ngày. Luôn có các mẫu Mercedes mới nhất, gọi ngay: 0909.70.60.70“
Rõ ràng là trong trường hợp này, giá thuê, tên của các hãng xe như Lexus, Toyota, Mercedes nằm sẵn trong cơ sở dữ liệu, và được gán vào một câu được định dạng sẵn. Không ai viết phần nội dung đó. Các website lớn thường có nhiều trang web tạo nội dung theo phương pháp này và thật ra, bản thân phương pháp cũng không đem đến một tác động nào tiêu cực (vì xét cho cùng, bạn cũng biết được thông tin về giá các loại xe đã đề cập), tuy nhiên, nếu bạn áp dụng phương pháp này trong phạm vi toàn nội dung của một trang web và nhân giống nó cho nhiều trang web khác nữa, Google sẽ để ý và hạ thấp giá trị website của bạn. Các công ty cung cấp dịch vụ SEO ở Việt Nam rất hay dùng cách này để làm SEO tổng thể cho khách hàng, nếu bạn đang là một khách hàng của họ, hãy nhớ lưu ý việc này.
Nếu loại nội dung rập khuôn này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nội dung của các trang web nhưng có chèn thêm một bài giới thiệu, hình ảnh về loại xe hơi mà bạn đang cho thuê, hay một thông tin độc đáo khác cho từng trang, Google sẽ biết rằng bạn không cố ý dùng spam và sẽ công nhận giá trị mà nội dung đó cung cấp cho người dùng.
Bài học bạn cần nhớ: nếu một vấn đề quá tốt/ quá đơn giản/ quá rẻ/ quá nhanh đến mức khó tin, đừng nên tin.
Nhiều người tỏ ra không tin, nhưng đó chính là thực tế. Mọi chuyện bắt đầu dậy sóng với bản cập nhật thuật toán Panda của Google, và vấn đề này càng được định hình rõ ràng hơn với các trang web vừa có văn bản rập khuôn, vừa chứa nhiều quảng cáo và được tối ưu hóa quá mức với các từ khóa cạnh tranh.
Nếu các trang web đó cũng thuộc dạng dư thừa, bạn hầu như đang đối mặt với hình phạt Penalty (nếu hiện giờ vẫn chưa bị). Vì Google và các công cụ tìm kiếm khác khi trông thấy các trang này thường thầm nghĩ, “Website này đúng là đang cố gắng xếp hạng với tất cả các từ khóa cạnh tranh, nhưng nội dung mà nó cung cấp không hề mới mẻ hay hữu ích, và các trang trong dường như chỉ mất 5 giây để tạo thành. Người dùng tìm kiếm các website này chắc chắn sẽ thích một website khác cầu kì hơn với phần nội dung độc đáo hơn, vì thế, chúng ta không nên đặt website này ở vị trí cao trên SERP.”
Không Nhồi Nhét Từ Khóa
Tôi không hiểu tại sao, nhưng rất nhiều người vẫn luôn nghĩ rằng con đường dẫn đến SEO thành công là hãy nhồi nhét thật nhiều từ khóa vào bất kể thứ gì, từ các thẻ tiêu đề, thẻ mô tả, URL và nội dung trang. Trật lất… Thật ra, quan niệm này đã không đúng trong, bao nhiêu nhỉ, 9 năm rồi thì phải. Thời điểm này là vào khoãng 2003, 2004 lúc này tôi cũng đang kiếm tiền trên mạng bằng Google Adsense cho cả website tiếng Việt và tiếng Anh. Lúc đấy tôi cũng đi nhồi nhét từ khóa như thế vào website của mình (ai chẳng có lần dại dột trong đời cơ chứ ) nhưng may mắn là tôi không bị phạt cho đến mãi 2005.
Dĩ nhiên từ khóa vẫn đóng vai trò rất quan trọng (nếu không, làm sao Google và các công cụ tìm kiếm khác biết trang web của bạn đang nói về điều gì? Vì chúng vẫn chưa thể đọc hiểu nội dung một cách thuần thục), nhưng điều đó không có nghĩa bạn sẽ tự do lặp lại chính mình, nhồi nhét từ khóa của bạn và tất cả những từ liên quan vào bất cứ nơi nào bạn cho rằng có thể.
Khi tôi làm SEO cho một website, qui tắc cơ bản nhất của tôi là phải đảm bảo có sử dụng từ khóa, nhưng tôi không đi lệch hướng khi lặp lại tất cả mọi thứ và bổ sung dồn dập các từ đồng nghĩa chỉ vì mục đích SEO. Tôi xác định từ khóa đầu tiên và từ khóa thứ hai cần nhắm đến cho từng trang web và đảm bảo có sử dụng chúng một lần trong thẻ meta tiêu đề, meta mô tả và tiêu đề trang (H1), trong khi vẫn chú ý đảm bảo phần nội dung phải hợp lí, hay và dễ đọc. Chẳng ích gì khi bạn được xếp hạng cao trên công cụ tìm kiếm nhưng tỉ lệ nhấp chuột lại rất thấp vì nội dung kém hấp dẫn. Ngày nay mọi người đều hiểu biết hơn và không phải lúc nào cũng nhấp vào mẩu kết quả đầu tiên nếu chúng trông có vẻ spam và dùng quá nhiều từ khóa. Hãy suy nghĩ về điều đó.
Số lần từ khóa nên xuất hiện trên một trang gọi là mật độ từ khóa (keyword density) vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, nhưng bạn nên lặp lại chúng ít nhất một vài lần. Các từ đồng nghĩa và từ liên quan xuất hiện một cách tự nhiên sẽ hỗ trợ SEO tốt hơn cho từ khóa bạn đang nhắm đến. Với URL, tôi không muốn chúng là một từ chính xác mà thích quăng vào đấy một số biến thể, nhưng tôi luôn ưu tiên dùng từ khóa đầu tiên và từ khóa thứ hai trước. Thủ thuật này không mang tính nghiên cứu, đó chỉ là kinh nghiệm cá nhân dựa trên kinh nghiệm làm việc và các tài liệu tôi đọc được trong nhiều năm.
Kiểm Tra Tất Cả Các Liên Kết Của Bạn
Phải đảm bảo từng liên kết xuất hiện trên website của bạn đều có mục đích chính đáng. Kiểm tra cẩn thận từng trang web và tất cả các footer của website, sidebar và các template khác, và phải đảm bảo tất cả các liên kết nội bộ (Internal Link) và liên kết ngoài không dùng spam hay tối ưu hóa quá mức. Dưới đây là một số vấn đề quan trọng bạn cần lưu ý:
- Không liên kết đến các website kém hấp dẫn… Không bao giờ. Google sẽ xem việc bạn liên kết đến một website bên ngoài đồng nghĩa với việc bạn công nhận giá trị của website đó, và nếu vì một lí do bất kì, Google không thích các website bạn liên kết đến, bạn có thể bị Google Penalty vì đã ủng hộ chúng. Xóa ngay các liên kết bạn cảm thấy nghi ngờ. (Bạn luôn có thể loại bỏ một URL hoặc chỉ cần xóa đi thuộc tính liên kết).
- Hãy cẩn thận các liên kết đáng ngờ! Có thể bạn đang liên kết đến một website dở nhưng không biết điều đó. Những người cung cấp template WordPress miễn phí “có ý đồ” thường cung cấp chức năng đặt liên kết trên template có thể tự động hướng trở lại website của họ (đa phần thường với các đoạn văn liên kết được tối ưu hóa quá mức, thậm chí tệ hơn là các đoạn văn liên kết ẩn), các chủ website thường không để ý đến vấn đề này.
- Hơn nữa, nếu bạn cài đặt bất cứ widget hay plugin miễn phí nào, các tiện ích này có thể liên kết đến những website bạn không mong đợi. Cách tốt nhất để kiểm tra vấn đề là hãy thoát website của bạn để xem mã nguồn của trình duyệt, hoặc truy cập Google Webmaster Tools để sử dụng tính năng Fetch của Googlebot. Hoạt động này khá tốn thời gian vì bạn phải xem thật kĩ từng dòng mã nguồn của trang chủ và xác định từng liên kết hợp pháp. Nếu phát hiện bất cứ điều gì không thích, bạn nên tìm và xóa ngay plugin hay theme đang tạo ra liên kết này và sử dụng tiện ích khác thay thế. Nếu bạn là người rành về code, bạn có thể biên tập lại phần footer của website hay mã HTML của plugin đang gây phiền toái và thực hiện thao tác tay để loại bỏ liên kết đó. Ở Việt Nam có 1 số website cung cấp các plugin dạng này và được backlink miễn phí về, từ đó có được Pagerank 7, 8, 9 rất cao.
- Không host các liên kết trả phí. Nếu một công ty đề nghị trả phí một lần hoặc phí hàng tháng để hiển thị quảng cáo của họ, hãy lịch sự từ chối. Các liên kết trả phí không gây nguy hiểm như một số chuyên viên SEO thường thổi phồng (đặc biệt là khi website của bạn chỉ có vài liên kết loại này), nhưng nếu bạn host quá nhiều, theo thời gian, bạn sẽ tạo ra dấu vết khiến Google chú ý và hình phạt penalty là vấn đề không thể tránh khỏi trong tương lai. Nếu có, hãy giới hạn nó trong khoảng 3-5 liên kết có ích.
- Tránh dùng Tag cloud và footer cũng như các cách nhồi nhét văn bản và liên kết vào một không gian chật hẹp khác. Đặc biệt là khi bạn liên kết đến các website bên ngoài, và bạn cũng không nên liên kết trở lại các trang web của mình theo cách này. Tại sao vậy? Bạn thật sự nghĩ rằng mọi người sẽ nhấp vào liên kết đó? Bạn thật sự nghĩ rằng có thể bịp công cụ tìm kiếm bằng hình thức này? Đúng vậy, bạn đang bịp để công cụ tìm kiếm nghĩ rằng họ nên Penalty bạn thật nhanh. Đừng dại dột nhé.
- Không dùng nhiều liên kết trùng lắp. Chỉ có liên kết đầu tiên trên một trang web là có giá trị, vì thế, cho dù bạn có liên kết từ trang chủ đến một trang trong sâu hơn trên website đến 5,6 lần với cùng một từ khóa, chúng chẳng giúp ích gì cho bạn. Thật ra, các liên kết này sẽ khều Google và nói rằng “Ê, nhìn chỗ này đi, chúng tôi đang làm SEO để thao túng anh đấy!”. Nếu bạn liên kết đến một trang web từ nhiều trang khác trên website, không hề gì, nhưng các trang khác chỉ liên kết 1 lần đến trang này thôi nhé. Ngoài ra, bạn vẫn có thể thay đổi các đoạn văn liên kết và không nhất thiết lúc nào cũng liên kết bằng từ khóa chính xác mà bạn đang nhắm đến.
Không Phát Cuồng Vì Quảng Cáo
Bạn có bao giờ truy cập một website nhưng thứ đầu tiên đập vào mắt bạn là hàng đống các mẩu quảng cáo hay chưa? Bạn buộc phải kéo thanh cuộn để tìm thông tin cần thiết nhưng dường như mọi thứ đều bị bủa vây bởi quảng cáo? Khá bực mình và không tin tưởng website này lắm, đừng nói là không nhé?
Đó chính là hoạt động tối ưu hóa quá mức, và dạo gần đây Google đã thẳng tay trừng phạt chúng. Thật ra, một website của tôi đã từng bị thuật toán Panda 1.0 đánh sập vào tháng 2, 2011 cũng chính vì lí do này, cộng thêm các yếu tố khác như nội dung rập khuôn và trang web trùng lắp. Khi tất cả các vấn đề này đều được giải quyết và website được dọn dẹp sạch sẽ hơn, website của tôi nhanh chóng hồi phục và chưa từng bị Google Penalty kể từ lúc đó. (tôi xóa bỏ gần 30% tổng trang con trên website, nhưng lưu lượng truy cập đến website lại tăng 15% sau khi web tôi phục hồi từ Google Penalty! Website vẫn tiếp tục phát triển và ghi chép lại lưu lượng truy cập và điều đó chứng tỏ, trang web trùng lắp và tối ưu hóa quá mức sẽ không giúp ích gì cho SERP như ngày nay. Tôi còn kiếm được nhiều tiền hơn khi đăng ít quảng cáo lại, hãy suy nghĩ đi nhé (dù sao thì chúng cũng là các mẩu quảng cáo chất lượng).
Vấn đề ở đây đó là, Googlebot ngày càng thông minh hơn, chúng biết rõ phần nào là quảng cáo, và phần nào là nội dung trên website của bạn. Chúng sẽ không vừa ý nếu trang web không chứa nội dung thật sự, đặc biệt là khi phần nội dung không xuất hiện bên trên đường Fold – khoảng không gian đập vào mắt bạn khi trang web xuất hiện.
Hạn chế việc tối ưu các mẩu quảng cáo cũng khá đơn giản, nhưng chắc chắn bạn sẽ mất đi một phần thu nhập khi thay đổi hoặc giảm thiểu chúng, và việc áp dụng cũng như định vị chúng hóa ra cũng khá thử thách. Tuy nhiên, đây là phần việc đáng công đáng sức, đặc biệt là khi website của bạn đã khẳng định thương hiệu và bạn không thể đối mặt với vấn đề mất khách truy cập. Hơn nữa, quá nhiều quảng cáo sẽ tác động xấu đến tỉ lệ chuyển đổi nếu chúng gây phiền phức cho người dùng.
Nguồn: Trần Ngọc Chính
Nguồn: Trần Ngọc Chính
No comments:
Post a Comment