Breaking

Friday, November 23, 2012

Sử dụng công nghệ cao trộm cắp tài sản xuyên quốc gia

Ngày 25/5, Phòng 9 Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C45) cho biết đã sơ kết điều tra vụ án trộm cắp tài sản bằng hình thức thông qua mạng Internet. Đây là vụ án với thủ đoạn mới, liên quan đến đối tượng và bị hại là người nước ngoài. Đáng tiếc rằng, có một số học sinh, sinh viên giỏi về công nghệ thông tin đã sử dụng khả năng của mình vào mục đích trộm cắp tài sản.

Vụ án được phát hiện thông qua một lá đơn tố cáo gửi đến hộp thư tố giác tội phạm của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm. Lá đơn nêu rõ, có một nhóm đối tượng đã thực hiện hành vi mua bán topup (tức là nạp thông tin thẻ tín dụng vào số sim điện thoại mạng di động O2 tại nước Anh) để trục lợi cá nhân. Cầm đầu đường dây là đối tượng Nguyễn Hoàng Hải, từng là sinh viên của Đại học Kiến trúc Hà Nội. Thông tin trên đã được Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao điều tra ban đầu, sau đó chuyển giao cho Phòng 9 Cục C45 tiếp tục điều tra, tiến hành các thủ tục tố tụng.

Qua điều tra, cơ quan Công an đã xác định và khởi tố tại ngoại 3 đối tượng phạm tội trộm cắp tài sản. Đó là Nguyễn Bá Cường, 23 tuổi, trú tại huyện Yên Mỹ (Hưng Yên); Nguyễn Hoàng Hải, 28 tuổi và Nguyễn Khánh Anh, 23 tuổi, cùng trú tại phường Trần Phú, TP Hà Giang (Hà Giang). Trong đó Hải và Khánh Anh là hai anh em ruột, Hải từng là sinh viên của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhưng bị buộc thôi học do mua bán tên miền bất hợp pháp, bị thanh tra Bộ Bưu chính - Viễn thông phát hiện. Còn Khánh Anh hiện đang là sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội.

Đối tượng thứ ba là Nguyễn Bá Cường. Tuy không học chính quy về công nghệ thông tin nhưng Cường rất ham thích và thông thạo lĩnh vực này.

3 đối tượng bị khởi tố.

Từ tháng 9/2007 đến tháng 9/2008, Cường làm thuê cho Nguyễn Đình Nghị, trú tại phố Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội). Hằng ngày, Cường đi nhận tiền của đối tượng ở nước ngoài gửi về Việt Nam cho Nghị thông qua văn phòng dịch vụ chuyển tiền Western Union quốc tế tại Việt Nam. Ngoài ra, Cường còn dò tìm các trang web, trang nào phát hiện bị lỗi bảo mật thì báo lại cho Nghị để Nghị đột nhập vào lấy cắp thông tin tín dụng.

Trong thời gian làm cho Nghị, thông qua chát bằng yahoo, Cường gặp được 1 khách nước ngoài tên là Davis, sống ở Vương quốc Anh, có nick là ARRVALS99@mail.com. Davis thuê Cường làm công việc topup. Mỗi lần topup thành công, Davis trả công cho Cường loại 20 bảng Anh là 5 USD, loại 30 bảng Anh là 6 USD. Hằng ngày, Davis gửi thông tin thẻ tín dụng vào số sim điện thoại mạng O2 về cho Cường thông qua email. Cường topup và thông báo số lượng cho Davis. Davis sẽ gửi tiền về Việt Nam cho Cường thông qua dịch vụ chuyển tiền Western Union.

Cường bắt đầu giao dịch và topup cho Davis từ tháng 10/2008. Đến khoảng tháng 2, tháng 3/2009, do khối lượng thông tin Davis gửi về nhiều, Cường không làm xuể nên thuê 2 anh em Nguyễn Hoàng Hải và Nguyễn Khánh Anh topup cho Cường. Được khoảng 2 tuần, Cường trả công cho anh em Hải bằng cách chuyển giao nick của Davis và một số thẻ tín dụng để Hải trực tiếp quan hệ và giao dịch topup với Davis. Đến tháng 4/2009, Cường dừng không topup nữa. Anh ta không nhớ nổi đã topup được bao nhiêu thẻ tín dụng, nhận được bao nhiêu tiền và lấy bao nhiêu bảng Anh ở thẻ tín dụng. Theo tài liệu do văn phòng Western Union cung cấp, từ tháng 1/2008 đến nay, Cường đã 132 lần nhận tiền ở các điểm chi trả tiền của trung tâm với số tiền 57.694,52 USD và hơn 114 triệu đồng. Trừ đi số tiền mà Cường nhận cho Nghị, bị can đã khắc phục 16 nghìn USD bằng 1 sổ tiết kiệm mang tên bị can tại Ngân hàng Liên Việt.

Còn bị can Hải và Khánh Anh khai nhận, hai anh em cũng làm thuê cho Nguyễn Đình Nghị từ tháng 1 đến tháng 5/2008. Trong thời gian làm thuê cho Nghị, Hải đã giao dịch được với một khách hàng tên là Eko, sống ở Anh và topup cho anh này từ tháng 6/2008 đến tháng 1/2009 với tiền công là 4 USD/lần topup thành công. Sau khi được Cường giao cho nick của Davis và một số thông tin của thẻ tín dụng, Hải và em trai đã trực tiếp nhận thông tin và topup cho Davis từ tháng 3 đến tháng 6/2009 thì hết nguồn thông tin. Giai đoạn này, Davis trả cho anh em Hải tiền công là 6 USD/lần topup thành công.

Đến tháng 8/2009, Davis lại tiếp tục giao dịch với Hải qua chat yahoo và đề nghị Hải tiếp tục topup cho anh ta ở mạng điện thoại di động VODAFONE, tiền công 9 USD/lần topup thành công. Vì số lượng thông tin thẻ tín dụng Davis gửi về nhiều và yêu cầu topup nhanh nên từ tháng 9 đến tháng 11/2009, Hải thuê thêm 5 học sinh, sinh viên các trường ở Hà Nội, quê ở Hà Giang, bạn của Khánh Anh làm cho mình. Hải dạy các học sinh, sinh viên này cách topup và trả công cho họ là 10 ngàn đồng/lần topup thành công. Khánh Anh được anh trai phân công hằng ngày làm nhiệm vụ phân chia thông tin thẻ tín dụng cho mọi người và làm quản lý theo dõi về hưởng thụ. Bản thân Hải khai nhận cũng không nhớ hết được đã bao lần topup thành công, lấy cắp được bao nhiêu bảng Anh và nhận được bao nhiêu tiền công từ Davis.

Tài liệu do văn phòng Western Union cung cấp thì từ tháng 6/2008 đến tháng 11/2009, Hải đã 54 lần nhận tiền tại các điểm chi trả của hệ thống này với số tiền gần 22 ngàn USD và mượn CMND của 5 người để nhận tiền 215 lần nữa với tổng số tiền là hơn 107 nghìn USD. Bị can Hải thừa nhận đã nhận tổng cộng gần 130 ngàn USD và đã khắc phục hơn 44 nghìn USD bằng 2 sổ tiết kiệm mang tên bị can tại Ngân hàng Đông Á.

Hiện nay, cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, phối hợp với Cảnh sát nước ngoài phát hiện về các đối tượng có liên quan và tìm bị hại đang sinh sống tại nước ngoài. Đáng tiếc rằng, trong vụ án có sự tham gia của một số sinh viên, học sinh, số lợi nhuận các đối tượng này được nhận từ việc làm vi phạm pháp luật của mình không nhiều, ngay Khánh Anh cũng chỉ được anh trai trả tiền công mỗi tháng từ 5-7 triệu đồng. Thế nhưng, hậu quả phải gánh chịu rất lớn, Khánh Anh đã bị khởi tố tại ngoại, số còn lại cũng sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
T. Hòa cand.com.vn

No comments:

Post a Comment